Ngôn Ngữ
Những món ăn nổi tiếng vùng Tây Nguyên
Giỏ hàng 0

Những món ăn nổi tiếng vùng Tây Nguyên

Ngày đăng: 04:02 PM 31/07/2018 - Lượt xem: 601

1.Gỏi lá

 

 

Nếu một lần đến phố núi nằm ở cực bắc Tây nguyên (Kontum), mời bạn cùng cư dân vùng sơn cước thưởng thức món gỏi lá đặc sản Tây Nguyên. Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng cũng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây Nguyên mới có.Các món ăn kèm với lá như thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng trộn cùng bột gạo nếp rang.

Nước chấm được làm từ bỗng rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Tiêu để nguyên cả hạt, muối hạt, ớt cay xanh, hành là những gia vị không thể thiếu. Kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo, gia vị rồi ăn cùng một lúc, nhai càng kỹ càng dễ nhận ra nhiều hương vị vừa có vị chan chát, vừa ngòn ngọt, chua chua và vừa bùi béo ngậy của thịt, tôm.

 

 2.Cơm lam

 

 

Cơm lam được coi là món ăn của núi của rừng bởi chắt lọc trong đó vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của tre nứa xanh ngút đầu non. Để làm được cơm lam ngon đòi hỏi một sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đầu tiên phải chọn cây nứa ngô còn non, chặt lấy gióng lưng chừng nứa rồi phạt đi đầu mặt, dùng lá nút lại, chất củi xung quanh đốt cho sôi. Gạo nếp làm cơm lam phải chọn loại nếp trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là "khảu tan" (nếp tan). Ngâm gạo, vo sạch, rắc ít muối trộn đều rồi cho vào ống lam, cùng với dòng nước suối trong vắt sẽ tạo nên một cơm lam hương vị đặc biệt của núi rừng, có thể làm say lòng bất cứ người thưởng thức nào.

Khi cơm chín, chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống cơm thật khéo léo cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp nứa mỏng. Xắt mỗi ống ra thành năm hay bảy khúc. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài, ăn cùng với thịt gà hay thịt lợn rừng nướng (được nướng trong ống tre). Tuy nhiên, cơm lam ngon nhất khi ăn với muối vừng.

 

3.Phở khô Gia Lai

Gọi là phở hai tô vì có một tô phở trộn cùng thịt băm, hành phi, ớt xay, cà rốt, tô còn lại là nước lèo như ăn phở ngoài Bắc có thịt bò, bò viên. Mới nhìn sợi phở khô thì tôi cá ai cũng nghĩ đây là sợi hủ tiếu của miền Nam nhưng nó khác ở chỗ sợi phở này được làm từ gạo nguyên chất nên khi trần lên sẽ không bị dính sợi vào nhau hoặc là bị vón cục, sợi phở săn lại, khi đảo đều lên sẽ không bị nát và ăn hơi dai. Bát nước súp phở thì trong veo có vị thanh ngọt vì được ninh từ xương lợn và bò, điểm bằng màu xanh của hành lá, vài lát thịt bò và bò viên.

 

 

Khi ăn cho tương đen vào trộn thật đều với sợi phở, ăn sẽ thấy rất đậm đà. Ăn phở khô trước rồi húp một ngụm nước lèo thì khô đâu chẳng thấy mà chỉ thấy ngọt lịm và dễ ăn vô cùng, ăn kèm với ngò gai, húng quế, xà lách lại càng thêm hương thêm vị

 

4.Bún đỏ ĐăkLăk

Bún đỏ là tên gọi theo màu của sợi bún, sợi bún ở trên này giống sợi bánh canh của người miền Trung nhưng to hơn, chắc phải cỡ chiếc đũa, ăn dai giòn. Ban đầu chúng có màu trắng tinh nhưng cho vào nồi nước dùng được nầu từ gạch cua, xương heo và nhất là cho thêm hạt điều để “nhuộm” thì chuyển sang màu đỏ rất bắt mắt.

Món này khá giống với bún riêu cua nhưng gạch cua được làm từ thịt cua, thịt lợn và tóp mỡ xay nhuyễn, thêm rau cải, rau cần với ít giá và không thể thiếu mấy quả trứng cút luộc.

 

 

5.Rượu cần Tây Nguyên

Đồng bào Tây Nguyên nhà nào cũng biết làm rượu cần hết chỉ khác bí quyết và khẩu vị của từng nhà, và điểm đặc biệt đây là bí mật chỉ truyền từ mẹ sang con gái. Và một điều nữa Hương được biết là có nhiều loại rượu cần chứ không phải chỉ có 1 loại như vẫn nghĩ, ví dụ rượu thóc thì được làm từ lúa mới xay rửa sạch, ngâm rồi trộn với men, cho vào ché bịt lá chuối độ 5, 6 hôm là được, rượu cơm lại được làm từ gạo nếp nấy lên ủ men, chừng vài ba hôm là nở tràn ché rồi, còn nhiều loại nữa như rượu kê, bobo, ngô, sắn…

 

 

Trước đây thì men rượu được làm từ các loại rễ cây lấy trên rừng nhưng bây giờ thì hầu như người ta mua men được làm sẵn về. Trộn men với nguyên liệu để làm rượu theo tỷ lệ nhất định rồi đảo đều lên với trấu để sau này khi dùng ống cần hút rượu sẽ dễ dàng hơn xong rồi mới cho vào ché rồi đạy lại bằng lá chuối thật kín. Rượu cần chỉ cần ủ trong vài ngày là dùng được còn nếu ủ càng lâu thì rượu càng có độ nồng cao và đậm đà.

 

6.Gà nướng Bản Đôn

 

 

Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Đất ở Bản Đôn rộng, vườn thưa, gà nuôi ở đây được thả rông tự do, thức ăn chính của chúng là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con.

Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Chú ý, sả được giã nhỏ rồi chỉ lọc lấy nước chứ không ướp cả củ, nước sả càng nhiều, thịt nướng càng thơm ngon. Con gà thường được kẹp vào thanh tre rồi quay đều trên lửa than. Bếp than to nên một lần có thể nướng quay nhiều con, cứ vài phút xoay trở một lần cho đến khi gà chín chuyển sang màu vàng, tươm mỡ bóng nhẫy. Thoạt nhìn cũng đủ cồn cào dạ dày.

Để ăn gà nướng ở Bản Đôn "đúng bài", thì phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả. Dù loại muối nào cũng nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh. Loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn giòn thơm rất hấp dẫn.

 

7.Cá lăng

 

 

Cá lăng, một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người Tây Nguyên, là loài cá nước ngọt, thuộc bộ cá da trơn, có nhiều trên sông Sêrêpốk. Cá có vị ngọt, béo, thơm ngon nên đã có mặt trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng, khách sạn và được nhiều thực khách ưa chuộng. Cá lăng dùng để làm chả, cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hay cá lăng nấu cháo, món nào cũng thơm cũng ngon.

Cá lăng nướng là món ngon với những hương vị béo, thơm, ngọt, đậm đà. Cá lăng làm sạch, để ráo, loại bỏ da và xương, cắt miếng vừa ăn rồi ướp với nước mắm, mì chính, mẻ, nước cốt riềng, nghệ khoảng mười phút cho cá thấm gia vị. Trước khi nướng cá trên than hồng, cần phết một lớp dầu phộng lên từng miếng cá. Người đầu bếp phải khéo léo lật trở vỉ nướng nhằm tránh làm cá cháy.

 

8.Thịt nai

 

 

Thịt nai giờ trở thành món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk vì vùng Tây Bắc giờ rất khó kiếm được. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Thịt bò 7 món đã gây thèm muốn, có nơi trở thành đặc sản, nhưng 7 món nai vượt xa một cách bất ngờ, cho nên càng không thể so sánh với bò, cho dù là bê cũng không đọ nổi với thịt nai.

Thịt nai nướng thái mỏng ướp mỡ nước và gia vị rồi cắt mấy lát gừng nướng riêng để ăn nóng cùng lúc rất hợp. Nai nướng không cần nước chấm, cũng không cần muối tiêu, miếng thịt nai nướng chín ngọt, mềm cộng với vị gừng nóng kích thích người ăn đến mê say mặc dù chẳng cần dùng đến rượu.

Nai khô có thể là đầu bảng trong các món nai. Nai khô không béo ngậy như nai nướng vì cách thức và nguyên liệu tẩm ướp khác nhau nên miếng nai khô ngọt lịm. Thịt nai thái ngang thớ, miếng dài chừng 5cm ướp kỹ bằng xì dầu, sả, muối, đường, ớt mè trắng và ngũ vị hương. Sau khi ướp trong vòng 80 phút lấy từng miếng nướng trên than hoa, nướng xong dùng sống dao dần cho miếng thịt mềm mại rồi ăn mà không cần chấm với bất cứ thứ gì.

 

9.Heo rẫy nướng

 

 

Heo rẫy là loại heo đồng bào nuôi kiểu chăn thả tự nhiên. Khi ả heo nào đó rời buôn mấy ngày, chủ nhân của nó lại biết chắc hơn ba tháng nữa nó sẽ trở về cùng với đàn con lai heo rừng bờm dựng đen trũi. Heo rừng da dày, heo rẫy da mỏng nhưng rất ít mỡ, thịt mềm ngọt chắc, giá đắt gấp rưỡi thịt "heo phổ thông" nuôi mổ chất đầy các sạp chợ.

Hai món heo nướng cao nguyên và heo nướng muối ớt đều tỏa mùi thơm gốc rễ vì có chung mấy loại gia vị tẩm ướp cơ bản: củ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt. Món nướng cao nguyên thì chặt nhỏ xiên tre, món nướng muối ớt thì nướng nguyên con dùng dao xẻo tại bàn. Bí quyết heo nướng để lâu vẫn óng ả giòn thơm là dùng sô-đa đánh tan mạch nha và nước cốt chanh, phết nhiều lớp lên da, quay đều trên bếp than hồng.

 

10.Cà đắng

Cà đắng Tây Nguyên trước đây là một loại cà dại, mọc hoang khắp các vùng rừng núi, người dân đi rẫy tiện hái về sửa soạn bữa cơm, dần dà cho đến ngày nay món này lại trở thành món ăn phổ biến mà hiếm có người Tây Nguyên nào không biết.

Cây cà đắng bây giờ được bà con trồng nhiều ở vườn nhà như một loại cây lương thực ra trái quanh năm. Cà đắng lớn hơn cà pháo, vỏ ngoài có sọc xanh trắng, ruột nhiều hạt, đặc trưng nhất là vị đắng như tên gọi. Nhiều người mới ăn sẽ thấy hơi khó nuốt nhưng bà con trong này nói ăn cà đắng sẽ giúp cơ thể không bị các bệnh về xương khớp như thống phong, thấp khớp hay đau nhức xương.

 

 

Cà đắng có thể ăn sống hay chín đều được, người Tây Nguyên thì thường nấu canh cà đắng với các loại cá khô như đầu cá trích khô hay cá cơm khô, tôm như cách nấu cà thường thấy. Ngoài ra thì còn món cà muối ăn với cơm trắng, thường được bà con làm để mang đi rẫy, không thì nướng cà hoặc om với ếch, lươn, cá đồng hoặc nấu với các loại thịt rừng

Thảo My

 

 

 

Facebook